Người Tây hát Tuyệt phẩm "Tình anh bán chiếu" chuẩn không cần chỉnh

Sinh ra ở Sài Gòn, mang hai dòng máu Việt – Đức, Trumpfehler Bernard thấm nhuần văn hóa của quê mẹ. Có thể nói Bernard ngoài vóc dáng của một người phương Tây, có vợ Tây ra thì toàn bộ "phần trong" của anh đều thuộc về Việt Nam: tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, có tình cảm sâu đậm với Sài Gòn và say đắm một bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc: cải lương.

Nội dung video

Sinh ra ở Sài Gòn, mang hai dòng máu Việt – Đức, Trumpfehler Bernard thấm nhuần văn hóa của quê mẹ. Có thể nói Bernard ngoài vóc dáng của một người phương Tây, có vợ Tây ra thì toàn bộ "phần trong" của anh đều thuộc về Việt Nam: tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, có tình cảm sâu đậm với Sài Gòn và say đắm một bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc: cải lương.


Trumpfehler Bernard sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Cha là một kỹ sư người Đức, mẹ là người Việt Nam (là người giúp việc). Năm 1970 thì Bernard về Đức, đến năm 1976 thì chuyển sang Pháp sinh sống đến ngày nay. Bernard cưới vợ là người Bồ Đào Nha, có 3 đứa con. Hiện Bernard làm quản lý xuất nhập hàng cho một hãng hàng không Đức. Gia đình Bernard sinh sống tại Chelles (cách Paris 15 km).

 

Đến với cải lương nhờ sợ ma

 

Thuở nhỏ, cậu bé Văn Mạnh (tên trong giấy tờ lúc đó của Bernard) vẫn thường trốn nhà cùng lũ bạn đi xem hát chầu. Không chen nổi với những người lớn cậu và các bạn bèn trèo lên cây coi. Nhưng đó chỉ là sự tò mò, nghịch ngợm của con nít chứ Mạnh vẫn chưa cảm nhận được cái hay cũng như yêu mến cải lương.

 

Năm 1984, Văn Mạnh lúc này đã là Bernard, đang làm việc ở một nhà hàng Việt Nam tại Pháp. Một lần, được ông chủ cho vé xem cải lương, Bernard từ chối không đi vì không thích và không hiểu. Nhưng khi biết sẽ phải ở nhà một mình tới lúc vãn hát (khoảng 12 – 1h đêm) thì anh phải suy nghĩ lại. Ở một mình giữa một nhà hàng rộng lớn trong đêm là một ý không hề hay ho với Bernard chút nào vì từ nhỏ anh đã mang một tấm lý rất Á Đông: sợ ma. Mà một cái vé xem cải lương lúc đó rất hiếm và đắt (khoảng 50 USD).

 

Vừa sợ, vừa tiếc, Bernard miễn cưỡng đến xem vở cải lương Đời cô Lựu của đoàn Trần Hữu Trang vừa từ Việt Nam sang diễn. Qua đêm hát, anh đã khám phá thêm nhiều điều về nơi mình sinh ra và về cả bản thân mình. Tấm màn nhung kéo ra là cảnh trí làng quê với lũy tre, đồng ruộng, mái nhà lá; diễn viên vận những bộ bà ba vải thô, áo dài khăn đóng.... Tất cả quá đỗi thân thương, đó là thời ấu thơ của Bernard. Và câu chuyện đầy nước mắt về cô Lựu làm anh cảm động.

 

Anh không thể nào quên được nét diễn thần tình của cô Lựu (Bạch Tuyết) và ông hội đồng (Diệp Lang) trong đoạn: Cô Lựu vừa xúc động sau khi gặp lại đứa con bị thất lạc thì bị ông Hội đồng mắng nhiếc vì tội tơ tưởng tới tình xưa. "Cái cách nghệ sĩ Bạch Tuyết vô câu phụng hoàng, cái vẻ mặt chưng hửng rồi nhẫn nhục, đè nén, để cuối cùng bùng lên thành tiếng khóc uất nghẹn của cô Lựu khi bị người chồng đay nghiến cay độc... sao mà hay quá. Lúc đó tôi đã khóc. Đó là đêm 4/3/1984, tôi nhớ rõ mà", Bernard kể.

Ngay trong tuần đó, Bernard lùng tìm những băng cassette cải lương ở những khu người Việt về nghe. Anh bắt đầu làm quen với giọng hát: Thanh Sang, Hùng Cường, Hữu Phước, Dũng Thanh Lâm..., những giọng ca "kinh điển" của sân khấu cải lương, để rồi mê mẩn theo từng câu ca, lời hát. Dần dà anh phân biệt được tất cả các giọng, chỉ cần nghe tiếng là biết ngay nghệ sĩ nào. Từ đêm diễn vở Đời cô Lựu thì Bernard đã không thể nào xa rời được cải lương.

 

Tôi là Dũng Thanh Phước

 

Từ mối duyên đó, hễ nghe tin có chương trình văn nghệ cải lương do các nghệ sĩ kiều bào tổ chức là Bernard tìm mọi cách đi coi và bắt đầu làm quen với giới nghệ sĩ. Bernard tìm đến tận nơi đóng quân của đoàn hát để xem tập tuồng. "Biết chắc là có ba Hữu Phước ở đó nên tôi phải vô xem bằng được", Bernard vẫn gọi người nghệ sĩ thần tượng của mình bằng danh xưng đầy trìu mến đó.

 

Không chỉ coi tập anh còn phụ giúp cho chương trình: lúc làm hậu đài chuẩn bị cảnh trí, lúc lại vào cả vai quân sĩ. Bernard rất thích vừa xem tập vừa dò theo những quyển tuồng. "Lúc đó tôi chỉ biết nói thôi chứ đâu có biết chữ Việt. Nhờ dò tuồng riết mà quen mặt chữ rồi biết chữ luôn". Anh còn photo các quyển tuồng rồi mua băng về nghe đi nghe lại nhẩm hát theo Nhờ đó mà anh biết hết các bài bản, biết điệu nào là xàng xê, lưu trường thủy, thế nào là nam xuân, nam ai... y như nghệ sĩ thứ thiệt.

 

Thói quen của Bernard là ngân nga các bài hát. Bernard có thể hát mọi lúc mọi nơi: nhìn trời mưa buồn – hát, lúc thư giãn – hát, lái xe hơi – hát. Thậm chí có ngày cảm thấy vui vẻ, giọng tốt Bernard hát từ sáng tới chiều, hát tới bể tiếng thì thôi. Khi đi chơi với bạn bè hay lúc nói chuyện về cải lương anh thường tự giới thiệu mình là Dũng Thanh Phước. Bernard rất thích cái "nghệ danh" này: "Dũng Thanh Phước là tên ghép từ ba nam nghệ sĩ tài danh mà tôi rất hâm mộ: Dũng Thanh Lâm, Thanh Bạch và Hữu Phước".

 

Một lần, anh đang ngân nga điệu xàng xê thì ba đứa con (một trai, hai gái) đứng núp bên cầu thang nhìn ba rồi cũng bắt vô hát xàng xê. Bernard ngạc nhiên nhìn ba cô cậu tóc vàng mắt xanh đứa lớn nhất mới 10 tuổi của mình hỏi: "Các con cũng biết hát cải lương nữa hả" – "Ba hát suốt ngày, nghe riết tụi con cũng phải thuộc chứ".

 

"Bây giờ thằng lớn đã 19 tuổi. Tụi nó không mê cải lương như tôi. Nhưng tôi bắt tụi nhỏ thỉnh thoảng phải lấy băng cassette cải lương ra nghe, nghe để nhớ cội nguồn và không quên tiếng Việt. Tụi nhỏ rành tiếng Việt lắm", Bernard hồ hởi nói.

 

Năm 1995, lần đầu tiên Bernard quay về Việt Nam sau 25 năm xa cách. Anh đã xin phép cơ trưởng ngồi trong phòng lái từ Băng Cốc về Tân Sơn Nhất để được nhìn thấy quê mẹ từ xa. Khoảng 20 phút trước khi máy bay hạ cánh, được nhìn thấy đồng ruộng, con trâu, mái nhà lá, Bernard đã bật khóc. Khi máy bay hạ cánh, tim anh như nhảy khỏi lồng ngực. Không có từ ngữ nào diễn tả được cảm giác của một đứa con trở về nhà sau nhiều năm đi xa.

 

Từ đó cứ hai năm là anh về Việt Nam một lần. Lần nào cũng nhờ giới thiệu tìm đến nhà các nghệ sĩ cải lương để hỏi han, trò chuyện rất thân tình. Anh tâm sự: "Nghệ thuật cải lương của mình hay lắm, cần phải trân trọng giữ gìn. Tôi thấy những người nào tâm tính hung hăng, nóng nảy nên nghe cải lương để những giai điệu, những bài học đạo lý dạy mình mà có thể tu tỉnh. Có điều cải lương ngày nay khác quá. Nếu trước đây một vở tuồng phải tập 5 – 6 tháng, tính cách nhân vật đã thấm vào máu các nghệ sĩ rồi mới công diễn thì cải lương hiện đại cái gì cũng chóng vánh, không thể đi vào lòng người. Tôi tiếc lắm...".

Bình luận

Mr. Tin - 13/10/2011 17:55
   

Hay quá.. ^^

Nguyễn Triết Học - 14/10/2011 09:30
   

Đúng hay. Người có tài, có tâm :)

Để gió cuốn đi...!!! - 03/11/2011 10:49
   

Hay tuyệt! Thật là khâm phục quá!!!

Yolie B - 12/03/2012 20:56
   

có thiek là ng` tây k z ?

Nguyễn Triết Học - 13/03/2012 15:26
   

Bạn xem đoạn giới thiệu í

* Bạn vui lòng ĐĂNG NHẬP trước để có thể tham gia bình luận. Nếu chưa có tài khoản, xin vui lòng ĐĂNG KÝ.