CẮN RĂNG CHỊU ĐỰNG (Bite the bullet)
Khi lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan (between a rock and a hard place), không biết tính đường nào cho tiện, nếu nói theo cách nói của người Anh, có lẽ bạn đành phải "bite the bullet" và đi tiếp. Lắm khi cắn đầu đạn là giải pháp duy nhất để đối phó với tình huống (sometimes that is the only alternative to calling things quits).
Đó đúng là trường hợp đã từng xảy ra với nhiều thương binh trong chiến tranh. Được đồng đội cán từ trận địa ra, tay chân bị thương đến nát (mangled arms or legs), một anh lính A hay B nào đó thật không có cách nào tránh né khi một bác sĩ quân y, mình khoác chiếc tạp dề (apron) bê bết những máu, tay cầm cưa (saw), đục (scalpel) tiến về phía anh ta như một hung thần.
Còn nhớ một chi tiết quá hào hùng và cảm động mà nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ đã kịp ghi lại trong một bài thơ còn đượm mùi khói lửa của mình. Một chiến sĩ bị thương nặng ở chiến trường miền Đông thời kháng chiến chống Pháp, phải cưa chân. Thuốc men hoàn toàn thiếu thốn, không có cả thuốc giảm đau (painkillers), y cụ chỉ có mỗi cái cưa (saw) ngày thường dùng để cưa cây rừng, đem dùng tạm làm dụng cụ cưa chân. Để chống chọi cơn đâu, anh thương binh cứ nhắm mắt mà hát to bài Quốc ca (national anthem) khi bác sĩ cưa chân của mình (while the doctor was sawing his mangled leg). Người cưa cứ cưa, máu chảy cứ chảy, người hát cứ hát. Bài Quốc ca như liều thuốc diệu kỳ giúp anh thương binh đủ dũng cảm vượt qua cơn đau thể xác trước sự cảm thương và kính phục của đồng đội (fellow-in-arms).
Có lẽ chỉ ở Việt Nam, trong gian nguy, lòng dũng cảm (bravery) mới thể hiện ra ngang tầm với huyền thoại như vậy. Còn nói chung, ở các chiến trường khác trên thế giới, trong hoàn cảnh khắc nghiệt tương tự, người ta không thể làm gì hơn cho những người lính rủi ro ngoài việc trao cho anh một đầu đạn chì mềm (soft lead bullet) để đặt vào giữa hai hàm răng. Quả nó không có nhiều tác dụng cho lắm, nhưng có vẫn còn hơn không. Cắn đầu đạn để trải qua cuộc phẫu thuật có dễ chịu hơn đôi chút so với việc nằm trên bàn và oằn oại, rên siết. Hơn nữa, như người ta nói, việc ấy có thể giúp cho người lính tránh trường hợp vì đau quá mà cắn nhầm lưỡi.
(Sưu tầm)