Đại dịch toàn cầu xảy ra, gây chết người, hao tài nguyên, tiền của. Lớn hơn nữa, nó gây đình trệ xã hội và từ đó đưa kinh tế vào thời kỳ đại suy thoái. Đó là điều tất yếu.
Cái người ta bàn tán mỗi ngày, dù ở cấp nào, cũng đều liên quan đến việc làm thế nào để đẩy lùi, dập tắt, ngăn chặn và sống sót qua đại dịch. Điều này đúng, hoàn toàn đúng.
Chỉ có điều, đó chỉ là một việc trong đại dịch. Chúng ta còn nhiều việc khác phải làm. Thế giới sống sót qua bao lần đại dịch. Nó là đại dịch, nó không là tận thế nơi mà mọi thứ sẽ bị diệt vong.
Trong một đợt đại khủng hoảng, vai trò của chính phủ vô cùng quan trọng. Lúc này, một quốc gia trở thành một thực thể thống nhất để cùng làm một việc: chống đại dịch. Người dân cùng tham gia vào thực thể này để cùng làm việc đó cho đạt đến hiệu quả cao nhất.
Nhưng chống dịch chỉ là một việc. Nhắc lại, thế giới sẽ không bị diệt vong, sự sống sẽ tiếp tục, nhưng kinh tế sẽ rơi vào đại suy thoái. Đó là lý do gần đây Mỹ cần phải bơm đến 2000 tỉ đô la vào để không bị rơi vào cơn đại suy thoái toàn cầu - một con số chưa bao giờ lớn như thế trong lịch sử. Điều này có nghĩa là, nước Mỹ muốn mình sẵn sàng bây giờ và cả sau đại dịch.
Vậy những việc khác cần làm là gì ngoài việc tham gia chống dịch cùng chính phủ? Nó giống như chúng ta đang đi làm thêm ngoài giờ cho chính phủ nhằm giúp ngăn chặn dịch (dĩ nhiên là góp sức không công). Công việc chính của chúng ta cần làm hiện nay là gì để sẵn sàng cho ngày mai khi bình minh tiếp theo ló dạng?
1. LÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG
Chúng ta đang phải bị cách ly xã hội. May mắn cho những người có thể mang việc về nhà làm và duy trì nguyên lương. Nhưng những người thiếu lương, hay những người nghỉ không lương, thậm chí mất luôn việc vì công ty của họ đã ngừng hoạt động vô thời hạn thì sẽ là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất. Vì thế, việc cần làm đối tượng này sẽ là:
- Nghiên cứu nhiều khóa học online, học thêm chuyên ngành mình đang làm để ngay khi thế giới phục hồi, mình sẽ giỏi hơn nhiều bậc so với trước đây.
- Người bị cắt giảm lương hay mất việc thì có khi sẽ mất việc hẳn sau đại dịch. Chắc chắn doanh nghiệp cũng sẽ không đủ sức để gầy dựng trở lại. Đây là lúc các bạn nên trau dồi nhiều hơn nữa. Cũng như trên, ghi danh nhiều khóa học để cải thiện kiến thức và kỹ năng. Nếu muốn đổi việc, đây là lúc cần tìm một chuyên ngành mới để làm, và từ đó cũng nghiên cứu kiến thức và kỹ năng cần học để cải thiện bản thân.
- Học tiếng Anh! Sau đại dịch, nhân sự sẽ khủng hoảng thừa do doanh nghiệp khủng hoảng thiếu. Lúc này, người ta sẽ chỉ tuyển người giỏi hoặc nhân sự nước ngoài. Nói cho các bạn biết, hiện nay tuyển nhân sự nước ngoài trong nhiều lĩnh vực còn rẻ hơn tuyển nhân sự trong nước. Vì thế, hãy học tiếng Anh.
Nếu khủng hoảng là 3 tháng, thì 3 tháng sau bạn phải giỏi tiếng Anh. Nếu 6 tháng, thì bạn phải giỏi hơn nữa. Nhưng phải bắt đầu học ngay, các khóa học trực tuyến rất nhiều. Đừng cứ luôn bảo rằng mình thiếu động lực nữa. Thời điểm này mà bảo mình thiếu động lực thì suốt đời này không lúc nào bạn có động lực nữa đâu. Và đó cũng là sự khác nhau giữa người thành công và người thất bại!
2. DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ
Vài tháng khủng hoảng thời gian qua đã đưa đối tượng này đến hết mức chịu đựng. Và lệnh cách ly xã hội là đòn cuối cùng khiến cho họ kiệt quệ. Nhưng các bạn thuộc đối tượng này cũng không thể chỉ tham gia "làm thêm không lương" bắt buộc. Đây là lúc các bạn cần:
- Cải tổ, tái cơ cấu, cải tiến các quy trình, tận dụng thời cơ vàng (và bắt buộc) này để chuyển đổi số. Theo nguyên tắc 80/20 Pareto, chỉ nên giữ lại 20% nhân sự tạo ra 80% năng suất cho công ty.
- Suy nghĩ thật kỹ lại về lĩnh vực mình theo đuổi vì đây là lúc có thể thay đổi mà không phải sợ mất nhiều như trước đây.
- Nếu chọn thay đổi, hãy nghiên cứu lĩnh vực mới cần thay đổi, và bắt đầu quyết tâm thay đổi.
- Học bằng cách tham gia các khóa học trực tuyến. Nếu giỏi tiếng Anh thì nên học trên Udemy. Nếu không thì tìm các khóa của Edumall hoặc Kyna của Việt Nam.
- Chọn cách bắt đầu kinh doanh đúng đắn theo phương pháp mới của tư duy khởi nghiệp: thử từng loạt nhỏ cho đến khi bắt được đúng cái thị trường cần mới tăng quy mô lớn.
- Tìm cho mình một mentor và nhờ hoặc thuê họ hướng dẫn. Mentor là người đã thành công hoặc đang trên đường đến thành công trong lĩnh vực mình chọn. Họ cũng đang dư thời gian và sẵn sàng chia sẻ với bạn trong thời điểm này.
- Có nhiều công cụ giao tiếp trực tuyến qua video hoặc đơn thuần là voice. Mách nhỏ, gọi điện thoại qua Facebook Messenger hoặc Zalo chất lượng gần ngang bằng như điện thoại di động trả tiền, nhưng hoàn toàn miễn phí nhé.
- Thêm một điều nữa, thế giới sẽ không bao giờ tránh được những đại dịch như thế này trong tương lai. Nếu rơi vào đại dịch tiếp theo, hãy nghĩ xem việc kinh doanh mà bạn chọn sẽ thể tồn tại và sống sót được không?
3. TIỀN BẠC VÀ ĐẦU TƯ
Ai cũng nghĩ rằng lúc này là giai đoạn thủ sẵn tiền mặt trong túi. Nhưng nhắc lại, nó là đại dịch chứ không phải tận thế. Hãy ước lượng khoảng tiền cần thiết để gia đình tồn tại qua khủng hoảng và giữ riêng khoản này. Nhưng để phục hồi sau khủng hoảng thì án binh bất động là việc làm thiếu tính cân nhắc. Vì thế, chúng ta cần cân nhắc những điều sau:
- Tìm cách đầu tư vào những danh mục ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch và khủng hoảng kinh tế nhất để đầu tư vào. Tuy nhiên, lời khuyên "đừng bỏ hết trứng vào một rổ" tại thời điểm này bổng trở nên đúng đắn.
- Cùng nhau tập hợp những người tâm huyết tìm ra cách thức mới để chuẩn bị trong thời gian khủng hoảng này nhằm sẵn sàng phát triển khi đại dịch kết thúc.
4. GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Các trường học và các cơ sở giáo dục tư nhân, các trung tâm huấn luyện... cần phải thay đổi hình thức học trực tuyến để cung cấp các khóa học trong môi trường cách ly xã hội này. Các công cụ học từ xa rất nhiều và có nhiều công cụ miễn phí, miễn là chúng ta sẵn sàng ứng dụng công nghệ đơn giản này vào thực tế để giúp ích cho xã hội.
LỜI KẾT
Cần lưu ý một điều, lương thực và thực phẩm ở một đất nước 80% nông nghiệp như Việt Nam là không hề thiếu. Khi ngưng xuất khẩu lúa gạo, nông dân đang bị khủng hoảng thừa. Trái cây rau củ cũng thừa mứa phải đổ đi. Cá tôm nuôi cũng không xuất khẩu được cũng thừa mứa. Lương thực không thiếu.
Hạn chế giao tiếp xã hội chỉ có nghĩa là tránh giao tiếp trực tiếp. Chúng ta đã biết cách giao tiếp trực tuyến và từ xa thì điều này sẽ không ảnh hưởng gì cả. Nếu ai cũng làm việc của mình như đề cập trên, kinh tế vẫn sẽ được duy trì.
Y tế sẽ quyết định sự sống chết trong đại dịch. Chuyện này chính phủ đang chỉ đạo và quản lý. Chúng ta tham gia "làm không công", mà buộc phải tham gia cùng chính phủ để vượt qua sự khủng hoảng này.
Nhưng kinh tế sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển trong cuộc sống sau này. Nếu sau đại dịch mà kinh tế kiệt quệ, rơi vào đại suy thoái, thiếu cả lương thực và thực phẩm, thì lúc này không ai có thể sống sót một cách lành lặn được.
Dù bạn thuộc đối tượng nào cũng phải làm công việc chính của mình trong xã hội: phát triển kinh tế. Đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng này, các bạn cần bình tĩnh để hành động; suy nghĩ kỹ về cái mình đã làm và thay đổi nếu nó không phù hợp. Chưa có lúc nào có thể thay đổi dễ hơn lúc này vì không có gì để mất.
Hơn nữa, chúng ta cần phải tận dụng thời gian bị cách ly xã hội để nghĩ cách phát triển kinh tế. Dân giàu là nước mạnh. Doanh nghiệp nghĩ ra cách làm ăn kinh doanh mới và phát triển; người lao động có thể giỏi hơn về nhiều mặt; tiền bạc của khối tư nhân sẵn sàng đầu tư cho cái đúng đắn... thì nó sẽ giúp đất nước phát triển trở lại, tránh khủng hoảng kinh tế mà rơi vào thời kỳ đại suy thoái.
Cũng kể từ khi mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin gọi điện phát triển, chúng ta có cách thức giao tiếp xã hội hoàn toàn khác - nhiều khi ngồi cạnh nhau cũng gõ vào điện thoại một câu gởi cho người kia và nhìn nhau cười thay vì là nói trực tiếp.
Vậy thì lúc này đây là lúc tận dụng các công cụ này để làm việc từ xa. Không có gì cần phải gián đoạn cả. Người bị gián đoạn hay tự làm gián đoạn bản thân là những người sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Người ta bị cách ly thì chỉ mất 2 tuần. Trong 2 tuần đó người ta lỡ mất bao nhiêu là thứ nhưng buộc phải làm vì không có lựa chọn. Còn bạn cách ly tâm trí mình cho qua cả mùa đại dịch, ngay khi bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn, thì sẽ mất bao lâu và những thứ gì?