Từ vựng à? Chuyện nhỏ…

“Không có ngữ pháp, rất ít thông tin có thể được truyền đạt; nhưng khi không có từ vựng, không thể truyền đạt được thông tin gì cả”

Nhiều người thường ví von hình tượng rằng nếu ngữ pháp là xi măng xây nhà thì từ vựng chính là từng viên gạch. Xi măng làm kết dính những viên gạch lại với nhau tạo thành một khối vững chắc. Hai yếu tố này về cơ bản góp phần định hình ngôi nhà. Tôi khá đồng ý với cách nhìn nhận đó, nhưng…

Có một sự khác nhau giữa gạch và từ vựng, ở chỗ, gạch thì Bạn dùng tiền có thể mua được, Từ Vựng thì Bạn không thể nào mua được. Bạn chỉ có thể mua được một cuốn từ điển có thể được trang bị đầy đủ âm thanh, hình ảnh, giải thích ngữ nghĩa, phát âm… nhưng làm sao để chuyển hóa lượng từ vựng ấy thành vốn liếng riêng của Bạn lại là chuyện khác.

Vậy đâu là bí quyết để từ vựng có thể dễ dàng bị thu phục và luôn trong tư thế sẵn sàng khi Bạn muốn sử dụng. Hãy cùng Hellochao khám phá những những tuyệt chiêu hữu ích sau đây nhé.

Thứ nhất, học từ vựng mang phong cách riêng…

Với tuyệt chiêu này, Bạn dùng trí tưởng tượng, khả năng ngôn ngữ tiếng Việt, vốn kinh nghiệm bản thân để liên tưởng tới bất kì cái gì, kiểu chơi chữ hay bí mật ẩn sau từng con chữ. Điều này đòi hỏi Bạn phải có đôi chút khả năng về ngôn ngữ, pha trộn sự tinh tế và sẽ càng thuận lợi nếu Bạn có khiếu hài hước….Có vậy, Bạn sẽ nhớ lâu dài.

Bạn sẽ nhớ ngay cách viết của từ đó mà không cần phải xào đi đảo lại quá nhiều lần, chỉ bằng một kiểu chơi chữ dí dỏm ngay sau đây. Headmaster (hiệu trưởng), từ này dài quá, viết sẽ sai chăng, yên tâm, cách nhớ hài hước là “Hôn em anh dám mà anh stía em rày”. Lấy ký tự đầu tiên của từ tiếng Việt ghép lại với nhau là Bạn đã nhớ từ vựng “hiệu trưởng” rồi.

Thêm một vài ví dụ vui vui nữa: Blackboard: bảng đen (Bà lão ăn ckhoai bông ăn rau dền); Laboratory: phòng thí nghiệm (Lá bò ra to ri); Melancholy: u sầu (mẹ Lan cho ly); Love: yêu (Lo m vì em)…danh sách đang chờ Bạn chắp bút tiếp…

Vậy chần chừ gì nữa, hãy sử dụng trí tưởng tượng và khả năng chơi chữ của bản thân. Hãy cá nhân hóa tiếng Anh, việc học sẽ trở nên vô cùng thú vị và dễ nhớ vô cùng.

Thứ hai, hình ảnh và âm thanh đi kèm mới gọi là học từ vựng chuẩn…

Một người nào đó Bạn gặp lại lần hai, cái tên hay khuôn mặt sẽ khiến Bạn dễ nhớ hơn. Khuôn mặt của họ chắc chắn sẽ khiến Bạn nhớ về người đó dễ dàng hơn. Hay một ví dụ khác, khi tôi đề cập tới chữ “ROSE” trong đầu Bạn sẽ xuất hiện hình ảnh một đóa hoa hồng tươi thắm hay từng chữ cái cấu thành nên từ “H O A HỒ N G’”. Chắc chắn Bạn đã có câu trả lời cho riêng mình rồi.

Từ hai ví dụ ở trên, tôi muốn dẫn dắt các Bạn vào một ý niệm mà đôi khi chúng ta hay lãng quên. Sự thật hiển nhiên là, nguyên tắc làm việc của bộ não hiệu quả và nhớ lâu nhất, nhiều nhất khi tương tác, tiếp xúc với âm thanh, hình ảnh. Âm thanh và hình ảnh càng ấn tượng, gần gũi, sống động thì não sẽ dễ dàng ưu ái hơn chỉ chữ viết đơn thuần.

Đây cũng là cách học thân thiện, thoải mái và khoa học với não bộ vì bản chất từ vựng sống trong Bạn là âm thanh và hình ảnh. Từ vựng lúc nói ra là sản phẩm đã được âm thanh và hình ảnh mã hóa.

Nên mỗi khi học Từ vựng, liên hệ ngay với hình ảnh tương ứng, càng gần gũi với bản thân, càng gắn liền với đời sống thường ngày, càng ấn tượng…thì khả năng tiếp nhận thành công đến não bộ hiệu quả hơn.

Khi học từ “table” hãy liên hệ tới cái bàn ăn cơm Bạn vẫn hay ngồi ăn cùng gia đình, khi học tới “brother hay sister” hãy liên tưởng đến những khuôn mặt của những người anh em trong gia đình. Khi học từ “happy” hãy hình dung đến những nụ cười, những khoảng khắc làm Bạn vui vẻ….

Bằng cách nghe, nhìn, phát âm, viết Bạn đang dần đưa từ vựng trở thành người Bạn tri kỷ. Với cách tiếp cận khoa học đó, chắc chắn Bạn sẽ có một vốn từ phong phú và hoành tráng. Hãy thử với cách học thân thiện với não bộ này nhé.

Thứ ba, Học từ vựng có ngữ cảnh, học theo cụm…

Bạn sẽ dễ dàng biết nghĩa phổ biến các từ vựng đơn lẽ sau: go (đi), study (học) fall (ngã/rơi), run (chạy)..vv. Khi giao tiếp chúng ta sử dụng mỗi từ với nghĩa nhất định cho một tình huống cụ thể, nếu chỉ biết nghĩa chung chung, không đưa vào ngữ cảnh cụ thể thì như Bạn đang mò kim đáy bể.

Trong câu “I go to school with my friends every day.” Hãy học “go to school (đi học)” thay vì chỉ học từ “go”. Chẳng bao giờ thấy ai nói “go to study” với nghĩa “đi học” cả.

Trong câu “I fall in love with her at first sight.” Hãy học “fall in love with: yêu, phải lòng” thay vì chỉ học “fall”. Những người giỏi tiếng Anh có lẽ chẳng bao giờ dịch “fall in love with” là “ngã/rơi vào tình yêu”.

Theo từ điển Oxford English Dictionary, từ "set" có đến 464 ngữ nghĩa khác nhau, đứng thứ hai là từ "run" với 396 nghĩa. Còn rất nhiều từ tiếng Anh có nhiều nghĩa khác như từ "go" với 368 nghĩa, từ "take" có 343 nghĩa, từ "stand" với 334 nghĩa, từ "get" 289 nghĩa, từ "turn" có 288 nghĩa, từ "put" có 268 nghĩa, từ "fall" có 264 nghĩa và từ "strike" có 250 nghĩa.

Tương tự vậy, nếu trong tiếng Việt, một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau thì trong Tiếng Anh cũng thế. Vậy nên, hãy học từ vựng trong ngữ cảnh cụ thể thì Bạn mới hiểu được nghĩa chính xác mà từ đó muốn ám chỉ đến. Người nghe sẽ hiểu đúng thông tin Bạn muốn truyền tải.

Thứ tư, mổ xẻ từ vựng

Như Bạn thừa biết, từ vựng được hình thành bởi các từ gốc (roots), các tiền tố (prefixes) đứng trước từ gốc, và các hậu tố (suffixes) đứng sau từ gốc.

Trong tiếng Anh, có rất nhiều từ gốc, các tiền tố, và hậu tố xuất xứ từ tiếng Hy Lạp và tiếng Latin. Nếu đầu tư tìm hiểu kỹ lưỡng thì hiệu quả thu về hoàn toàn xứng đáng với công sức Bạn bỏ ra.

Vốn từ của Bạn sẽ tăng lên bất ngờ đó. Không những vậy, Bạn có thể đoán được nghĩa của từ mà không cần tham khảo từ điển hay các nguồn khác. Điều này cực kì hữu ích trong thi cử khi không có phao cứu sinh nào. Lúc này kỹ năng mổ xẻ từ vựng sẽ là chiếc phao giúp Bạn bơi về đích.

Chẳng hạn như: Tiền tố re- (lại, một lần nữa), ví dụ reunite (đoàn tụ) nghĩa là bring together (mang lại với nhau một lần nữa). Tiền tố anti- (chống lại, ngược lại), ví dụ: antitank (xe chống tăng), antivirus (chất kháng vi-rút)…

 Hãy sưu tầm cho mình thật nhiều những tiền tố, hậu tố. Biết đâu được, Bạn sẽ trở thành cuốn từ điển sống đó.

Thứ năm, ăn từ vựng, ngủ từ vựng, làm từ vựng...

Những bí quyết trên sẽ trở nên vô nghĩa khi Bạn không trọng dụng nguyên tắc tối quan trọng này. Ăn từ vựng, ngủ từ vựng, làm từ vựng. Sự lặp đi lặp lại sẽ giúp Bạn khắc sâu từ vựng vào tâm trí.

Học tiếng Anh là môn học “năng nhặt chặt bị”, không cần thông minh, logic, suy luận như môn Toán, Lý... Học những môn đó, khi đã nắm được sợi dây logic, Bạn lôi tuột một vấn đề. Tiếng Anh là môn học của sự ý chí, môn học của việc tạo thói quen ngôn ngữ mới. Nó được tạo ra bởi những gì đã lặp lại hàng ngày.

Để ngoại ngữ sống trong Bạn, Bạn phải sống cùng ngoại ngữ. Nếu Bạn xa lánh, nó sẽ trở thành tử ngữ, không như “Theo tình, tình chạy, trốn tình, tình theo” đâu nhé. Sống cùng từ vựng tiếng Anh không có gì quá xa vời. Hãy viết một vài từ vựng lên tờ giấy rồi dán bất cứ đâu mắt có thể dễ tiếp cận: đầu giường ngủ, trước máy tính làm việc, tường nhà, sổ tay…vv để Tiếng Anh luôn vây quanh Bạn mọi lúc, mọi nơi.

Chưa hết, Bạn có thể bổ sung thêm cho mình danh sách “ăn từ vựng, ngủ từ vựng, làm từ vựng…” bằng việc xem phim, nghe nhạc, hát karaoke tiếng Anh… với một lịch trình đều đặn và khoa học.

Tôi tin rằng khi Bạn đọc đến đây, Bạn đã nắm chắc các tuyệt chiêu này rồi. Nhiệm vụ chia sẻ của tôi đã xong, giờ đến phần quyết định của Bạn, bắt tay vào hành động…

Cuối cùng, xin thân tặng các bạn Quà Tặng Miễn Phí - “1001 Câu Đàm Thoại Tiếng Anh Thông Dụng Nhất”. Bao gồm video, audio và text.



GÓP Ý & BÌNH LUẬN:

Lên Top

    Hướng dẫn học giỏi tiếng Anh
    & Hỏi Đáp về cách học đúng các kỹ năng
    với thầy Phạm Việt Thắng - Đồng sáng lập HelloChao.vn
    ĐỪNG LÃNG PHÍ THỜI GIAN VỚI CÁCH HỌC SAI!